Bối cảnh Trưng cầu ý dân về chính thể Ý năm 1946

Tư tưởng cộng hòa trên bán đảo Ý

Giuseppe Mazzini

Nhiều chính quyền xưa và nay trên bán đảo Ý đã lấy tên là "cộng hòa" mà nổi tiếng nhất là Cộng hòa La Mã vào thời cổ đại. Từ Cicero đến Machiavelli, những nhà triết học người Ý chủ trương chủ nghĩa cộng hòa làm cơ sở của chính trị. Vào thế kỷ 20, Giuseppe Mazzini phục hưng phong trào cộng hòa ở Ý.[1]

Tháng 7 năm 1831, Giuseppe Mazzini thành lập phong trào Giovine Italia ở Marseille nơi ông đang lưu vong, mục tiêu là thành lập một nhà nước cộng hòa dân chủ Ý trên nguyên tắc tự do, độc lập, thống nhất và phế bỏ những chế độ quân chủ trên bán đảo như Vương quốc Sardegna. Sự thành lập của Giovine Italia là bước ngoặt trong quá trình thống nhất nước Ý. Chương trình của Giovine Italia là tiền đề của những nhà dân tộc Ý về sau: Vincenzo Gioberti chủ trương thống nhất nước ý dưới sự lãnh đạo của giáo hoàng;[2] Carlo Cattaneo, nhà triết học người Milano chủ trương thành lập một nhà nước cộng hòa liên bang Ý biệt lập với Công giáo.[3]

Hoài bão chính trị của Mazzini và Cattaneo bất thành do hai người: Camillo Benso, Bá tước xứ Cavour, thủ tướng Vương quốc Sardegna và Giuseppe Garibaldi. Sau khi chinh phục gần như toàn bộ miền Nam bán đảo Ý trong cuộc Viễn chinh vạn người, Garibaldi hiến dâng lãnh thổ lên Vittorio Emanuele II, vua Sardegna trong một cuộc trưng cầu ý dân, đành lòng từ bỏ tâm nguyện cộng hòa để thống nhất nước Ý.[4] Những thành phần cộng hòa chủ nghĩa kịch liệt chỉ trích ông là đã phản bội phong trào.[5] Một nghị viện Ý được thành lập. Ngày 17 tháng 3 năm 1861, Vittorio Emanuele II trở thành vua Vương quốc Ý.[6]

Từ năm 1861 đến năm 1946, Vương quốc Ý là một nước quân chủ lập hiến trên cơ sở Luật cơ bản Alberto, được đặt tên theo Carlo Alberto I, vua Sardegna. Chế độ quân chủ là thế tập. Nghị viện bao gồm thượng viện do quốc vương bổ nhiệm và hạ viện dân cử nhưng chỉ 2% dân số Ý có quyền bầu cử vào năm 1861.[7][6] Phe cộng hòa (và vô chính phủ) tồn tại ngoài rìa, đôi khi biểu tình và nhanh chóng có những liệt sĩ như Pietro Barsanti, một quân nhân bị xử bắn vào ngày 27 tháng 8 năm 1870 vì không chịu trấn áp một cuộc nổi dậy cộng hòa.[8]

Luật cơ bản Alberto

Carlo Alberto I

Ban đầu cán cân quyền lực giữa hạ viện và thượng viện nghiêng về thượng viện, cơ quan đại diện cho giai cấp quý tộc và giới công nghiệp nhưng dần dà hạ viện tăng cường quyền lực nhờ thế lực của giai cấp tư sản và địa chủ, trở thành cơ quan đại diện cho quyền lợi kinh tế và tư tưởng bảo thủ xã hội.[9]

Năm 1853, phe cộng hòa thành lập Đảng Hành động dưới sự lãnh đạo của Mazzini để tham gia bầu cử nghị viện Ý. Tuy lưu vong, Mazzini trúng cử vào năm 1866 nhưng không chịu nhậm chức. Carlo Cattaneo trúng cử vào nghị viện vào năm 1860 và năm 1867 nhưng không chịu nhậm chức cả hai lần để tránh tuyên thệ trung thành với Nhà Savoia. Yêu cầu tuyên thệ trung thành với chế độ quân chủ là một trở ngại thường trực đối với phe cộng hòa. Năm 1873, Felice Cavallotti, một trong những chính khách cộng hòa tích cực nhất của Ý tuyên bố lập trường cộng hòa trước khi tuyên thệ nhậm chức.[10] Năm 1882, chính quyền giảm điều kiện được bầu cử, tăng số cử tri lên hơn hai triệu người tức 7% dân số.[11] Trong cùng năm, một đảng lao động được thành lập, về sau lấy tên là Đảng Xã hội chủ nghĩa Ý. Năm 1895, phe cộng hòa quá khích chấp nhận tham gia sinh hoạt chính trị, thành lập Đảng Cộng hòa Ý.[9] Hai năm sau, phe cực tả trúng cử 81 nghị sĩ, số lượng cao nhất trong lịch sử nghị viện Ý, bao gồm ba thành phần dân chủ cấp tiến, xã hội chủ nghĩa và cộng hòa. Sau khi Felice Cavallotti qua đời vào năm 1898, phái tả cấp tiến từ bỏ mục tiêu thay đổi chế độ.[12]

Trên chính trường Ý, Đảng Xã hội chủ nghĩa Ý chia thành hai phe: phe quá khích do Arturo Labriola và Enrico Ferri lãnh đạo, chủ trương đấu tranh chính trị bằng hình thức đình công; và phe cải cách, thân chính phủ do Filippo Turati lãnh đạo. Một phong trào dân tộc chủ nghĩa được thành lập dưới sự lãnh đạo của Enrico Corradini. Romolo Murri thành lập Liên minh Dân chủ Toàn quốc, một đảng công giáo, xã hội và dân chủ nhưng bị Giáo hoàng Piô X lên án vào năm 1909 tuy đã cho phép giáo dân tham gia sinh hoạt chính trị vào năm 1904,[13] bản thân Romolo Murri bị vạ tuyệt thông.[14] Ngày 3 tháng 6 năm 1912, chính quyền thông qua luật quy định phổ thông đầu phiếu đối với nam. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Ý được coi là một nước dân chủ tự do.[13]

Phong trào phát xít

Benito Mussolini

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, chính trường Ý có bốn phong trào chính: phe xã hội chủ nghĩa cải cách và Đảng Nhân dân Ý (tiền thân của tư tưởng dân chủ Cơ Đốc giáo) ủng hộ xây dựng một nền dân chủ trong khuôn khổ những thể chế hiện hành; phe xã hội chủ nghĩa quá khích (hưởng ứng thắng lợi Cách mạng Nga) và Đảng Cộng hòa Ý chủ trương thay đổi thể chế chính trị. Trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 1919, phe xã hội chủ nghĩa quá khích và Đảng Cộng hòa Ý trúng cử 165 trong số 508 nghị sĩ.[15] Năm 1921, phe xã hội chủ nghĩa quá khích, Đảng Cộng hòa Ý và Đảng Cộng sản Ý mới được thành lập trúng cử 145 trong số 535 nghị sĩ Hạ viện. Vào thời kỳ giữa hai thế chiến, ít hơn 30% số nghị sĩ dân cử ủng hộ thành lập một chế độ cộng hòa.[16] Trước bối cảnh này, phong trào phát xít của Mussolini lợi dụng bức xúc dư luận về "chiến thắng không toàn thây" (sự bội ước của phe Đồng Minh đối với Ý), nỗi lo sợ bất ổn xã hội và nguy cơ tư tưởng cách mạng, cộng hòa, Marx để thuyết phục giai cấp tư sản tự do và một phần giai cấp quý tộc giao chính quyền cho phong trào phát xít làm thành trì bảo vệ.[17]

Sau cuộc Hành quân Roma, Benito Mussolini được Vua Vittorio Emanuele III bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mở đầu thời kỳ hai mươi năm độc tài. Hiến pháp bị vi phạm đến vô hiệu. Nghị viện nô lệ vào chính quyền.[note 1] Phe đối lập không đoàn kết, thành phần Công giáo dân chủ lại chần chừ. Ngày 27 tháng 6 năm 1924, 127 nghị sĩ đối lập từ chức, lui về Aventino nhằm phản đối chính quyền phát xít nhưng vô tình để cho phe phát xít nắm toàn quyền.[17]

Vittorio Emanuele III không chỉ bổ nhiệm Mussolini làm thủ tướng vào năm 1922 và để ông chi phối nghị viện mà còn không nhận ra hệ lụy của vụ ám sát Giacomo Matteotti vào năm 1924, một nghị sĩ thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Ông lên ngôi hoàng đế vào năm 1936 sau Chiến tranh Ý - Ethiopia thứ hai và đồng ý tham chiến cùng Đức Quốc Xã vào ngày 10 tháng 6 năm 1940.[18]

Những đảng chống phát xít trong và ngoài nước

Cờ của một tổ chức chống phát xít

Chính quyền phát xít giải tán tất cả các đảng trong nước, ngoại trừ Đảng Phát xít Quốc gia. Một vài đảng tái lập ở nước ngoài, chủ yếu ở Pháp. Ngày 29 tháng 3 năm 1927, một liên minh chống phát xít được thành lập ở Paris, bao gồm Đảng Cộng hòa Ý, Đảng Xã hội chủ nghĩa Ý, Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất (của phe xã hội chủ nghĩa cải cách), Liên minh Nhân quyền Ý và đại diện nước ngoài của Tổng Liên đoàn Lao động Ý. Đảng Cộng sản Ý, Đảng Nhân dân Ý và những đảng tự do khác không tham gia liên minh.[19] Liên minh này tan rã vào ngày 5 tháng 5 năm 1934. Tháng 8 năm 1934, Đảng Xã hội chủ nghĩa Ý và Đảng Cộng sản Ý liên minh với nhau.[20]

Tại Ý, những tổ chức chống phát xít ngầm được thành lập, ví dụ như ở MilanoFirenze.[20] Những tổ chức này tái lập Đảng Hành động.[20][note 2] Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943, Alcide De Gasperi đề ra tư tưởng về sau trở thành nền tảng của Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo. Ông tập hợp những thành viên cũ của Đảng Nhân dân Ý và thanh niên công giáo.[21]

Khủng hoảng thể chế (1943-1944)

Ngày 10 tháng 7 năm 1943, quân Đồng Minh đổ bộ lên đảo Sicilia trong Chiến dịch Husky. Ngày 25 tháng 7 năm 1943, Vittorio Emanuele III miễn nhiệm Mussolini và ra lệnh bắt ông. Nguyên soái Pietro Badoglio được bổ nhiệm làm thủ tướng mới và liên lạc với quân Đồng Minh để đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn. Ngày 8 tháng 9 năm 1943, Ý ký Hiệp định ngừng bắn Cassibile với Anh và Hoa Kỳ. Quân Đức chiếm đóng miền Bắc của Ý và giải giáp tàn quân Ý, giải cứu Mussolini và thành lập nhà nước Cộng hòa Xã hội Ý bù nhìn dưới sự lãnh đạo trên danh nghĩa của Mussolini nhưng thực chất là phụ thuộc hoàn toàn vào Đức.[22] Chính quyền của Vittorio Emanuele III và Badoglio tháo chạy khỏi Roma và lui về Brindisi ở miền Nam do quân Đồng Minh kiểm soát. Chiến tranh tiếp diễn song song một cuộc nội chiến Nam – Bắc trên bán đảo Ý. Những đảng tiền chiến từng bị chính quyền phát xít giải tán được tái lập và những đảng mới được thành lập.[23]

Cờ của Ủy ban Giải phóng Dân tộc (1943–1945).

Ở miền Bắc, Ủy ban Giải phóng Dân tộc được thành lập tại Roma vào ngày 9 tháng 9 năm 1943, bao gồm đại diện của những đảng phái chống phát xít và sự chiếm đóng của Đức như Đảng Cộng sản Ý, Đảng Hành động, Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo, Đảng Xã hội chủ nghĩa Ý, thành phần tự do tư sản và thành phần dân chủ tiến bộ. Ủy ban Giải phóng Dân tộc chủ trương kháng chiến thắng lợi trước, giải quyết vấn đề chính thể sau nhưng ra điều kiện Vittorio Emanuele III phải thoái vị, nhường ngôi cho con trai thì mới thành lập một chính phủ chống phát xít.[24] Tuy nhiên, Anh và Hoa Kỳ lo ngại về ảnh hưởng của thành phần cộng sản trong Ủy ban Giải phóng Dân tộc nên tổ chức đưa những thành phần dân chủ và cộng hòa ra miền Bắc làm đối trọng, ví dụ như Leo Valiani.[25][26]

Đình chiến về thể chế

Vittorio Emanuele III

Ngày 31 tháng 3 năm 1944, Palmiro Togliatti, tổng bí thư Đảng Cộng sản Ý kêu gọi thành lập một chính phủ liên hiệp quốc gia và bỏ điều kiện Vittorio Emanuele III phải thoái vị, mở đường cho phe bảo hoàng tham gia chính phủ. Sở dĩ Togliatti thay đổi lập trường là vì Stalin đã yêu cầu Togliatti vào tháng 3 mở thêm mặt trận ở phía Tây để giải tỏa cho Hồng quân ở phía Đông. Ủy ban Giải phóng Dân tộc đồng ý hợp tác với Enrico De Nicola, cựu chủ tịch Hạ viện cho đến năm 1924, Benedetto Croce thuộc Đảng Tự do và đoàn tùy tùng của nhà vua. Theo thỏa thuận, ngày 4 tháng 6 năm 1944, sau khi Roma được giải phóng, Vittorio Emanuele III phong con trai Umberto làm phó vương và cho các đảng phái tham gia chính quyền.[27] Chiến tranh tiếp diễn nhưng phòng tuyến Gothic được giữ vững cho đến tháng 4 năm 1945.[28]

Từ tháng 6 năm 1944 đến ngày 1 tháng 12 năm 1946 có ba chính phủ lâm thời. Chính phủ đầu tiên do Ivanoe Bonomi thuộc Đảng Xã hội chủ nghĩa Ý lãnh đạo, có sự tham gia của Carlo Sforza, Benedetto Croce và Palmiro Togliatti. Tuy đã gác lại nhưng vấn đề chính thể là một trong những vấn đề nổi bật nhất của Ý. Hầu hết Ủy ban Giải phóng Dân tộc công khai ủng hộ thành lập một nền cộng hòa và quy trách nhiệm để phát xít nắm chính quyền cho chế độ quân chủ, nhất là Vittorio Emanuele III.[23] Những đảng phái kháng chiến thỏa thuận chấm dứt chiến tranh và tổ chức trưng cầu ý dân, bầu cử quốc hội lập hiến càng sớm càng tốt.[29] Ngày 31 tháng 1 năm 1945, Hội đồng Bộ trưởng ra nghị định trao quyền bỏ phiếu cho phụ nữ.[30]

Sau chính quyền Bonomi (II và III) là chính quyền Parri từ tháng 6 năm 1945 rồi chính quyền De Gasperi từ tháng 12 năm 1945.[31] Vấn đề chính thể quân chủ hay cộng hòa chi phối chính trường Ý. Đa số Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo, nhất là thành phần thanh niên, ngày càng lạnh nhạt với chế độ quân chủ. Trong những cuộc họp tại cơ sở có những kiến nghị yêu cầu đảng tuyên bố ủng hộ một chính thể dân chủ cộng hòa.[32]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trưng cầu ý dân về chính thể Ý năm 1946 http://www.universalis.fr/encyclopedie/italie-la-v... http://www.isral.it/web/web/risorsedocumenti/2%20g... http://www.isspe.it/rassegna-siciliana/54-numeri-r... http://www.quirinale.it/qrnw/statico/costituzione/... http://camera.archivioluce.com/camera-storico/sche... http://www.linkiesta.it/due-giugno-festa-repubblic... http://mjp.univ-perp.fr/constit/it1947a.htm#d https://books.google.fr/books?id=yygKk164ldAC&prin... https://books.google.fr/books?id=WbwvPvkbGUYC&prin... https://books.google.fr/books?id=Wc0GD1J_isIC&prin...